Đó là một trong những nội dung báo cáo "Kết quả khảo sát tình hình vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên trên địa bàn thành phố và giải pháp phòng ngừa" do Ban Pháp chế (HĐND TP. Hà Nội) thực hiện, gửi HĐND TP. Hà Nội xem xét tại kỳ họp thứ 17 sắp tới.

Theo thống kê của Công an Hà Nội, từ ngày 1/1/2018 đến 31/12/2023 đã phát hiện 858 vụ với 3.150 đối tượng là người dưới 18 tuổi phạm pháp (chiếm 3,4% số vụ phạm pháp hình sự). Trong đó, đã xử lý hình sự 682 vụ với 2.38 đối tượng, xử lý hành chính 139 vụ (693 đối tượng), còn lại là các hình thức xử lý khác.

Cũng theo báo cáo, trong những năm qua có sự tăng cả về số vụ và đối tượng trẻ vị thành niên phạm tội. Cụ thể, năm 2018 cơ quan chức năng phát hiện 100 vụ với 204 đối tượng thì đến năm 2023 phát hiện 231 vụ với 1.309 đối tượng (tăng 642%). Trong đó, nam tỷ lệ nam giới phạm tội chiếm 95,9%.

Một nhóm trẻ phạm tội bị cơ quan chức năng bắt giữ (ảnh:NLĐ)

Ngoài ra, còn có sự gia tăng về mức độ phức tạp, liên quan đến quy mô, hình thức của các tội danh. Cụ thể, trong số 858 vụ người dưới 18 tuổi phạm tội thì 19 vụ giết người, cướp tài sản (107 vụ), cưỡng đoạt tài sản (8 vụ), cướp giật tài sản (41 vụ), giao cấu với trẻ em, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng (170 vụ)…

Hơn nữa, đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa. Trong số 3.150 trẻ vị thành niên phạm tội, trường hợp dưới 14 tuổi là 67 đối tượng; từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi là 796 đối tượng và từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là 2.287 đối tượng.

Cũng theo kết quả khảo sát, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng không còn đơn giản do bồng bột, thiếu suy nghĩ mà đã có sự tính toán, chuẩn bị. Đáng chú ý, gần đây tình trạng thanh thiếu niên tụ tập thành các nhóm thực hiện hành vi vi phạm như đua xe trái phép, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích. Thậm chí, nhóm trẻ còn mang theo hung khí như dao, kiếm... để giải quyết mâu thuẫn, có nguy cơ gây ra các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Trẻ vị thành niên phạm tội ngoài những nguyên nhân chung còn có đặc điểm riêng về lứa tuổi, tâm sinh lý… Ngoài ra, còn do xuất phát từ gia đình khi nhiều phụ huynh chưa thực sự quan tâm giáo dục con cái. Trong khi đó, mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình trong việc quản lý giáo dục trẻ vị thành niên còn chưa chặt chẽ, công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường còn hình thức, biện pháp kỷ luật chưa hợp lý. Cùng với đó, là mặt trái của kinh tế thị trường, môi trường mạng xã hội bùng nổ...

Để giảm tình trạng trẻ vị thành niên phạm tội, Ban Pháp chế kiến nghị các cơ quan trung ương tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách pháp luật về thanh niên, trẻ em. Bao gồm cả hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình phạt đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng bộ máy tư pháp hoàn chỉnh để áp dụng các quy định đặc thù về người chưa thành niên phạm tội như tòa án chuyên biệt, chế độ giam giữ.

Ban Pháp chế cũng kiến nghị các cơ quan chức năng TP. Hà Nội tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nhân dân chủ động phòng ngừa tội phạm, trong đó có tội phạm trẻ vị thành niên. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong việc giáo dục trẻ vị thành niên, tạo môi trường thuận lợi cho trẻ phát triển.

Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, giáo dục có liên quan đến đạo đức, nhận thức và phát triển hình thành nhân cách của trẻ. Đồng thời, tăng cường quản lý trên không gian mạng,kiểm soát chặt chẽ các luồng văn hóa phẩm, sách báo, các loại băng hình có nội dung không lành mạnh...

Thanh Hiếu